Trên thực tế, pháp luật hiện hành không quy định về căn hộ suất ngoại giao. Khái niệm này chỉ được hình thành và sử dụng theo thói quen. Cụ thể, suất ngoại giao hiểu nôm na là những suất mua căn hộ chung cư với mức giá ưu đãi mà chủ đầu tư chỉ dành riêng cho một số đối tượng nhất định.
Thông thường, giá bán bất động sản suất ngoại giao rẻ hơn nhiều so với mức giá thương mại. Tuy nhiên, nhiều đối tượng được áp dụng giá suất ngoại giao không có nhu cầu sử dụng căn hộ để ở nên nhờ môi giới rao bán những suất ngoại giao này để hưởng giá chênh lệch. Mức giá mua lại những căn hộ này vẫn rẻ hơn đáng kể so với mức giá của những căn hộ thương mại.
Người mua lại "suất ngoại giao" có thể gặp phải những rủi ro về pháp lý.
Khách hàng làm việc trong những cơ qua liên kết, các đơn vị là đối tác hoặc quen biết với chủ đầu tư thì có cơ hội nhận được suất ngoại giao. Ngoài ra, những khách hàng không thuộc diện trên vẫn có thể mua nhà với giá ưu đãi của suất ngoại giao bằng cách mua lại suất ngoại giao của những người được hưởng suất ngoại giao nhưng không có nhu cầu mua nhà.
Thông thường, những người được hưởng suất ngoại giao mà không có nhu cầu về nhà ở sẽ ký gửi lại suất ngoại giao mà mình nhận được cho chủ đầu tư hoặc sàn môi giới để bán lại cho khách hàng có nhu cầu mua nhà.
Như đã đề cập ở trên, giá bán các căn hộ suất ngoại giao luôn rẻ hơn so với giá được chào bán ra tại thị trường tại cùng một thời điểm. Bên cạnh đó, tính thanh khoản của suất ngoại giao cũng được tính theo chính sách linh động hơn so với các căn hộ khác trong cùng dự án. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều rủi ro kèm theo.
Xét về mặt pháp lý, các căn hộ suất ngoại giao thường được tung ra khi dự án chưa triển khai, thậm chí mới chỉ ở trên giấy. Việc mua các căn hộ theo dạng suất ngoại giao có thể gặp rủi ro nếu dự án không được cấp phép hay chậm tiến độ.
Cùng với đó, các hình thức mua lại suất ngoại giao hiện này đều không đảm bảo được tính kế thừa quyền lợi và nghĩa vụ giữa người mua và người bán, do vậy, sẽ không được pháp luật bảo hộ và người mua có thể gặp rủi ro khi người bán tăng giá hay đòi hỏi các lợi ích khác nhằm gây khó dễ cho người mua, hoặc không hỗ trợ để người mua được cấp giấy chứng nhận. Cụ thể, hợp đồng mua căn hộ suất ngoại giao không được phép chuyển nhượng nên giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ sẽ được cấp cho người đứng tên trong hợp đồng chứ không phải người đã mua lại căn hộ suất ngoại giao. Khi đó, chủ đầu tư không phải chịu bất cứ trách nghiệm, nghĩa vụ nào với người mua lại suất ngoại giao. Khi có tranh chấp xảy ra, quyền lợi của người của người mua bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là nhận chuyển nhượng suất ngoại giao nhà ở xã hội.
Trong một số trường hợp, việc mua bán bất động sản “suất ngoại giao” được thực hiện thông qua việc người bán uỷ quyền cho người mua thực hiện quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư như chủ sở hữu. Người mua được uỷ quyền nhận bàn giao căn hộ, liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục cấp sổ hồng, được toàn quyền định đoạt như bán, tặng cho, quản lý sử dụng căn hộ… Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất là người bán qua đời thì hợp đồng uỷ quyền sẽ hết hiệu lực và xảy ra rủi ro với người thừa kế của chủ sở hữu chính thức không đồng ý để người mua tiếp tục thực hiện quyền đối với bất động sản đó.
Ngoài ra, thực tế đã xuất hiện tình trạng lừa đảo liên quan đến suất ngoại giao. Các đối tượng lừa đảo có thể giả danh người có quan hệ với chủ đầu tư của dự án, tự làm giả giấy cọc tiền và rao bán suất ngoại giao. Khi đã nhận được tiền của người mua thì các đối tượng này cao chạy xa bay và khách hàng là người lãnh đủ.
Cuối cùng, người mua suất ngoại giao chỉ có thể chọn căn hộ theo sự chỉ định và không có nhiều lựa chọn. Do vậy, người mua cần cân nhắc thật kỹ mọi vấn đề về vị trí, diện tích, tính thanh khoản, phong thuỷ của căn hộ trước khi xuống tiền.
Có thể thấy rằng, việc mua căn hộ suất ngoại giao chủ yếu dựa vào niềm tin và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua. Để hạn chế tối đa rủi ro, người mua cần tìm hiểu kỹ quy định pháp luật liên quan hoặc tham khảo qua ý kiến luật sư, chuyên gia về luật trước khi ký kết hợp đồng mua nhà.
(Tổng hợp)
>> Nhà phát mãi ngân hàng là gì? Thủ tục mua nhà phát mãi của ngân hàng