Tính thuế bất động sản: Phải kê khai cao hơn 1,2-1,5 lần mới được giải quyết hồ sơ

01-06-2022 21:03

Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 1/6, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng những chỉ đạo về siết chặt thu thuế bất động sản của Bộ Tài chính còn chung chung, phát sinh nhiều bất cập, hệ lụy.

Theo đại biểu Phan Thái Bình, tình trạng hai giá tức giá giao dịch thực tế cao hơn nhiều so với giá kê khai trên hợp đồng chuyển nhượng bất động sản còn xảy ra phổ biến.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính, Bộ Tư Pháp đã có hành động nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế nhằm chống thất thu. Tuy nhiên những chỉ đạo về siết chặt thu thuế bất động sản của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế còn chung chung chưa giải quyết được triệt để vấn đề mà ngược lại còn làm phát sinh những bất cập trong thực hiện.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam). Ảnh: Quochoi.vn

>>> Xem thêmCách tính thuế thu nhập cá nhân khi bán nhà, cho thuê nhà

Hiện nay theo quy định của pháp luật thì việc kê khai tính thuế là giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá hợp đồng thực tế. Trường hợp trong hợp đồng không ghi giá hoặc giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất nhà nước quy định thì giá tính thuế theo khung giá đất nhà nước.

Theo đại biểu, bản chất đây là giao dịch dân sự của hai bên mua và bán. Như vậy, nguồn gốc của thất thu thuế chính là sự kê khai không trung thực của một bộ phận người dân tham gia giao dịch bất động sản và bản giá đất hiện nay không sát với giá thị trường, thấp hơn nhiều so với giá thực tế.

Bên cạnh đó, đặt ra việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản cũng phải gắn với quyền lợi của người dân khi bồi thường, thu hồi đất.

“Với các giao dịch trên thị trường thì cơ quan thuế yêu cầu áp mức giá thị trường để tính thuế. Nhưng với những trường hợp thu hồi đất đai, thì lại áp khung giá Nhà nước, dẫn đến không hợp lý, không công bằng trong trường hợp này”, ông Phan Thái Bình phát biểu.

Hiện nay, cơ quan thuế không có cơ sở pháp lý rõ ràng để công nhận hoặc không công nhận mức giá kê khai trong hợp đồng công chứng chính là giá giao dịch thực tế. Việc áp dụng các biện pháp chống thất thu thuế mỗi nơi đang làm một kiểu. Nhiều nơi yêu cầu tính giá thuế thêm cao hơn kê khai 1,2-1,5 lần, thậm chí có nơi yêu cầu cao hơn 2 lần mới giải quyết hồ sơ.

“Trường hợp giá trong hợp đồng thấp hơn mức trên thì cơ quan thuế mời lên làm việc nhiều lần, hoặc trả hồ sơ vì cho rằng giá ghi trong hợp đồng thấp hơn giá giao dịch trên thị trường bất động sản”, ông Bình phát biểu.

Đại biểu Quảng Nam cho rằng căn cứ nào để áp mức thuế sát giá thị trường, thế nào là giá sát với thị trường thì cơ quan thuế không chỉ ra. Tình trạng trên dẫn đến một số địa phương có số lượng hồ sơ đất đai cần giải quyết lớn, làm ảnh hướng đến sản xuất kinh doanh và quyền lợi của người dân.

Bên cạnh đó, một số cán bộ thuế có biểu hiện lạm quyền, gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp trong quá trình giải quyết hồ sơ.

Từ những bất cập trên, đại biểu Phan Thái Bình đề xuất cần cập nhật và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để làm rõ thế nào là giá thị trường, từ đó có cơ sở để tính chi phí bồi thường, đảm bảo công bằng.

UBND các tỉnh, thành phố phải cập nhật đúng, đủ, kịp thời giá đất theo sát giá đất thị trường vào bảng giá đất nhà nước để làm căn cứ tính thuế trong hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản và tính chi phí bồi thường hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất cho người dân, đảm bảo sự công bằng bình đẳng trong các mối quan hệ này.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế quy định rõ các biện pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản để cơ quan thuế địa phương thực hiện nhất quán, đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, tránh tình trạng lạm quyền, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, nhằm góp phần đưa thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Nguồn: Diệu Trang Thanh Niên Việt.

Đóng