Huyện Sóc Sơn với quỹ đất dồi dào, địa hình đa dạng và hạ tầng đang dần hoàn thiện đang là điểm đến tiềm năng đối với giới đầu tư bất động sản, nhất là loại hình đất thổ cư, đất nền giá rẻ. Thông tin quy hoạch Sóc Sơn vì thế luôn nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Bài viết cung cấp thông tin tổng quan về huyện Sóc Sơn dành cho người mua nhà đất để ở hoặc đầu tư tham khảo, đưa ra quyết định phù hợp với điều kiện thực tế của mình.
Huyện Sóc Sơn nằm ở phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm TP khoảng 25km về phía Bắc với vị trí địa lý giáp ranh nhiều tỉnh lân cận.
Phía Bắc huyện Sóc Sơn giáp TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyến
Phía Nam huyện Sóc Sơn giáp huyện Đông Anh, TP. Hà Nội, ranh giới tự nhiên là sông Cà Lồ
Phía Đông huyện Sóc Sơn giáp huyện Yên phong, tỉnh Bắc Ninh và giáp huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, ranh giới tự nhiên là sông Cầu.
Phía Tây huyện Sóc Sơn tiếp giáp TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Mê Linh, TP. Hà Nội, ranh giới tự nhiên là sông Cà Lồ.
Huyện Sóc Sơn Hà Nội có địa hình phong phú, độc đáo nhất trong các quận, huyện của Thủ đô với tính phân bậc rõ rệt, thay đổi theo hướng thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, gồm 3 loại địa hình chính: Đồng bằng, gò đồi thấp và đồi núi.
Trong đó, địa hình đồi núi phân bổ ở đầu mút phía Đông Nam dãy Tam Đảo với độ cao tuyệt đối từ 50 - 462m. Vùng đồi núi chiếm diện tích khoảng 104km2, phấn bố chủ yếu ở các xã phía Tây Bắc và phía Bắc của huyện Sóc Sơn.
Địa hình gò đồi thấp là vùng chuyển tiếp từ địa hình đồi núi sang đông bằng, mở rộng về phía các xã ở phía Tây Bắc, phía Bắc của huyện. Dạng địa hình này là chủ yếu, chiếm diện tích khoảng 264,203km2. Trong khi đó, vùng đồng bằng có độ cao tuyệt đối từ 6 - 20m, địa hình bằng phẳng, thấp dần về phía Nam, chủ yếu phân bố tại các xã ven sông Cà Lồ và sông Cầu.
Sóc Sơn Hà Nội có tổng diện tích đất tự nhiên là 304,7 km2. Quy mô dân số theo số liệu năm 2020 là 357.652 người, trong đó 3,2% dân số theo đạo Thiên Chúa. Trụ sở UBND, HĐND và Huyện ủy Sóc Sơn đặt tại thị trấn Sóc Sơn.
Hiện tại, Sóc Sơn có 26 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm thị trấn Sóc Sơn (huyện lỵ) và 25 xã: Xuân Thu, Xuân Giang, Việt Long, Trung Giã, Tiên Dược, Thanh Xuân, Tân Minh, Tân Hưng, Tân Dân, Quang Tiến, Phú Minh, Phù Lỗ, Phù Linh, Phú Cường, Nam Sơn, Minh Trí, Minh Phú, Mai Đình, Kim Lũ, Hồng Kỳ, Hiền Ninh, Đức Hòa, Đông Xuân, Bắc Sơn, Bắc Phú.
|
Bản đồ hành chính huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội |
Kinh tế huyện Sóc Sơn đã và đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang dịch vụ, du lịch và công nghiệp, phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những năm gần đây, kinh tế huyện phát triển ổn định, tích cực với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân ước đạt 9,64%/năm.
Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển, tăng trưởng khá, chuyển dịch tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân. Sóc Sơn đi đầu và có diện tích dồn điền đổi thửa lớn nhất TP. Hà Nội với hơn 11.000 ha.
Nông nghiệp huyện đang chuyển mạnh sang hướng sản xuất hàng hóa chuyên canh, tập trung, áp dụng nhiều mô hình sản xuất công nghệ cao, phát triển về quy mô, chủng loại. Đã hình thành thêm chuỗi liên kết, các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung. Ngành chăn nuôi phát triển theo hướng giảm hộ nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, với nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chất lượng cao.
Huyện Sóc Sơn hiện đã có thêm 2 khu công nghiệp, cụm công nghiệp quy mô diện tích188 ha. Cùng với đó là 3 cụm công nghiệp đang được quy hoạch, đầu tư xây dựng.
Các làng nghề truyền thống, ngành nghề mới tại huyện Sóc Sơn cũng được quan tâm, duy trì và khuyến khích phát triển nhằm tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tiêu biểu có các làng nghề như mây tre đan và mộc Xuân Dương; nghề mộc, xây dụng Lai Cách; tre trúc Thu Thủy; mây tre đan Điệu Tân; trồng hoa nhà Phù Lỗ; giặt bao tải và sơ chế Dược Hạ; làng trồng ngô, bán ngô bắp luộc, bắp non.
Năm 2021, huyện Sóc Sơn đã hoàn thành 15/19 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với tổng giá trị sản xuất ước đạt 18.223 tỷ đồng, so với năm trước tăng 4,96%. Tổng thu ngân sách huyện ước đạt 1.626 tỷ đồng, bằng 130% so với dự toán TP. Hà Nội giao và bằng 115% so với năm 2020.
>>> Xem thêm:
Tổng quan quy hoạch huyện Đông Anh dành cho người mua nhà, đất
Tổng quan huyện Mê Linh, TP. Hà Nội
Sóc Sơn là vùng đất có truyền thống văn hóa - lịch sử lâu đời. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử văn hóa, văn hóa phi vật thể đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Trên địa bàn huyện có khoảng trên 400 di tích lịch sử - văn hóa và cách mạng được công nhận. Trong đó, có 49 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, cấp TP. Sóc sơn có cũng là nơi có nhiều lễ hội truyền thống được bảo tồn, tổ chức thường xuyên, điển hình là Hội Gióng.
Tính đến nay, phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Sóc Sơn gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, hiện đại, văn minh. Toàn huyện có 25/25 xã được công nhận xã nông thôn mới; hoàn thành 9/9 chỉ tiêu xây dựng huyện nông thôn mới. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 93,3%; thôn làng văn hóa đạt 85,7%; tổ dân phố văn hóa đạt 100%....
Công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện Sóc Sơn phát triển mạnh mẽ, với 83% trường đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ mức 35,62% năm 20215 lên mức 55% vào năm 2020.
Danh sách một số trường tiểu học, THCS và THPT tiêu biểu tại huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội:
STT | Trường Tiểu học | Trường THCS | Trường THPT |
1 | Tiểu Học Phù Lỗ A | THCS Nguyễn Du | THPT Đa Phúc |
2 | Tiểu học Phù Lỗ B | THCS Phù Linh | THPT Kim Anh |
3 | Tiểu học Thị Trấn Sóc Sơn | THCS Tiên Dược | THPT Sóc Sơn |
4 | Tiểu học Bắc Sơn A | THCS Minh Phú | THPT Minh Phú |
5 | Tiểu học Thanh Xuân A | THCS Thị Trấn Sóc Sơn | THPT Trung Giã |
6 | Tiểu học Phú Minh | THCS Phú Minh | |
7 | Trường Tiểu học Hiền Ninh | THCS Mai Đình | |
8 | Trường Tiểu học Kim Lũ | THCS Xuân Giang | |
9 | Trường Tiểu học Hương Đình | THCS Minh Trí |
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Sóc Sơn còn có Trường Đại học Điện lực cơ sở 2 ở xã Tân Minh; Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc ở xã Tân Dân; Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Đa ngành Sóc Sơn tại số 131, Đại Tài, xã Mai Đình.
Ngoài ra, trong quy hoạch đô thị vệ tinh Sóc Sơn, TP. Hà Nội quy hoạch khu đại học quy mô 600 ha cùng tổ hợp y tế chất lượng cao với tổng diện tích khoảng 100 ha. UBND TP. Hà Nội cũng đã chấp thuận việc nghiên cứu thực hiện dự án đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo đại học trên địa bàn huyện Sóc Sơn, như cơ sở 2 Đại học Luật Hà Nội, Đại học Tài nguyên và Môi trường, trụ sở làm việc và viện nghiên cứu đào tạo Đại học Đông Đô.
Huyện Sóc Sơn đã và đang đầu tư vào lĩnh vực y tế nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn. Tuyến huyện có Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn, Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn và các phòng khám đa khoa khu vực. Tuyến cơ sở có 26 trạm y tế xã, cùng với đó là các phòng khám chuyên khoa, đa khoa tư nhân, nhà thuốc, quầy thuốc tư nhân. Sóc Sơn là một trong những đơn vị đi đầu TP. Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung về việc triển khai mô hình bác sĩ gia đình, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Huyện Sóc Sơn có hệ thống giao thông đa dạng, gồm đủ cả đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không.
Quốc lộ 2 với điểm đầu tại ngã ba Phù Lỗ, giao Quốc lộ 3 tại km18, điểm cuối tại cửa khẩu Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Quốc lộ 3: Bắt đầu từ phía Bắc cầu Đuống, qua Phù Lỗ (Sóc Sơn), chạy qua các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng đến cửa khẩu Tà Lùng vơi tổng chiều dài 350,44km.
Quốc lộ 18: Đoạn tuyến từ Nội Bài đến TP. Bắc Ninh dài 31km, quy mô có 4 làn xe. Đây là đoạn trùng với cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long.
Đường Võ Văn Kiệt: Đoạn qua Sóc Sơn dài 5 km, chạy thẳng từ trung tâm TP. Hà Nội đến sân bay Nội Bài.
Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên: Tuyến đường đi qua địa bàn TP. Hà Nội, Thái Nguyên và một đoạn ngắn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Mặt đường rộng 34,5m, dài 70 km, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h. Đoạn tuyến đi qua địa phận huyện Sóc Sơn tại các xã Trung Giã, Tân Hưng, Tân Minh, Bắc Phú và Việt Long.
Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai: Tuyến đường đi qua 5 tỉnh, thành là TP. Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai, nối với cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu của Trung Quốc. Điểm đầu tuyến tại nút giao thông Quốc lộ 18A với Quốc lộ 2 tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội, qua địa bàn các Tân Dân, Thanh Xuân.
Các tuyến buýt hoạt động trên địa bàn huyện Sóc Sơn gồm:
Xe 07: Cầu Giấy - Sân bay Nội Bài qua cao tốc Thăng Long - Nội Bài
Xe 15: Bến xe Gia Lâm - Phố Nỉ đi qua QL3
Xe 17: Long Biên - Sân bay Nội Bài đi qua QL3, QL2, đường Võ Nguyên Giáp
Xe 56A: Mỹ Đình - Núi Đôi qua cao tốc Thăng Long - Nội Bài, QL2, TL131, Khu công nghiệp Nội Bài, thị trấn Sóc Sơn, Núi Đôi.
Xe 56B: Học viện Phật giáo Việt Nam - Xuân Giang - Bắc Phú - Học viện Phật giáo Việt Nam qua TL131, TL296.
Xe 58: Yên Phụ - Thạch Đà đi cao tốc Thăng Long - Nội Bài, QL2
Xe 64: Bến xe Mỹ Đình - Phố Nỉ qua Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, cao tốc Thăng Long - Nội Bài, QL2, TL35, QL3.
Xe 68: Hà Đông - Sân bay Nội Bài đi qua đường Võ Nguyên Giáp, cầu Nhật Tân
Xe 86: Ga Hà Nội - Sân bay Nội Bài qua đường Võ Nguyên Giáp, cầu Nhật Tân
Xe 90: Hào Nam - Sân bay Nội Bài đi qua đường Võ Nguyên Giáp, cầu Nhật Tân
Xe 93: Nam Thăng Long - Bắc Sơn đi qua cao tốc Thăng Long - Nội Bài, QL2
Xe 95: Nam Thăng Long - Xuân Hòa đi qua cao tốc Thăng Long - Nội Bài, QL2
Xe 109: Bến xe Mỹ Đình - Sân bay Nội Bài đi qua cao tốc Thăng Long - Nội Bài
CNG04: Kim Lũ - Nam Thăng Long đi qua đê Lương Phúc, TL16, QL3.
|
Sóc Sơn theo quy hoạch sẽ là đô thị vệ tinh hiện đại của Thủ đô Hà Nội |
Về đường sắt qua địa phận huyện Sóc Sơn có tuyến Hà Nội - Quán Triều (Thái Nguyên) đi qua phía Đông của huyện với tổng chiều dài 16km. Đoạn tuyến này có 2 nhà ga nhỏ là ga Trung Giã và ga Đa Phúc. Mỗi ga có quy mô 50 - 60 khách/ngày. Tuyến khai thác chỉ sử dụng một đôi tàu một ngày đi từ ga Long Biên, TP. Hà Nội tới ga Quán Triều, Thái Nguyên và ngược lại.
Dự kiến, các dự án đường sắt đô thị Hà Nội đi qua địa phận huyện Sóc Sơn gồm tuyến Nội Bài - Thượng Đình (tuyến số 2) và tuyến Nội Bài - Ngọc Hồi (tuyến số 6).
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là cảng hàng không quốc tế lớn nhất miền Bắc Việt Nam hiện nay. Sân bay Nội Bài thuộc địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, cách trung tâm TP 35km theo tuyến đường bộ về phía Tây Bắc. Tuy nhiên, khi cầu Nhật Tân cùng tuyến đường nối đầu cầu với Nội Bài được hoàn thành năm 2015, khoảng cách này được rút ngắn còn 27km.
Hiện tại, huyện Sóc Sơn có các tuyến đường sông phân bố dọc theo sông Cà Lồ, sông Công và sông Cầu. Các bến bãi chủ yếu ở dạng tự nhiên. Khai thác vận chuyển còn hạn chế. Hàng hóa vận chuyển chủ yếu là hàng tiêu dùng, lâm thổ sản, vật liệu xây dựng, than. Các tuyến đường sông chính có tổng chiều dài 90km, gồm 4 bến chính: bến Đông Bắc, bến Cốc, bến Việt Long và bến Trung Giã.
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội tới năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, huyện Sóc Sơn được xác định là một trong 5 đô thị vệ tinh của TP. Hà Nội với tính chất là đô thị phát triển về công nghiệp, dịch vụ hàng không và du lịch nghỉ dưỡng sinh thái. Quy hoạch huyện Sóc Sơn nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư bất động sản.
Những năm gần đây, huyện Sóc Sơn đã tập trung nguồn lực lớn để nâng cấp, cải thiện, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội theo hướng hiện đại và đồng bộ. Các công trình lớn, nổi bật tại huyện gồm Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Quốc lộ 18, đường Võ Nguyên Giáp, cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long... đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân trên địa bàn, Thủ đô Hà Nội và vùng lân cận.
Cùng với hệ thống giao thông gần như hoàn thiện là các khu công nghiệp lớn như Khu công nghiệp Mai Đình, Khu công nghiệp Sóc Sơn, Khu công nghiệp Nội Bài, khu nông nghiệp sinh thái công nghệ cao... góp phần đưa huyện Sóc Sơn sớm trở thành đô thị vệ tinh mới.
|
Sơ đồ định hướng phát triển không gian huyện Sóc Sơn |
Các dự án lớn đã và đang được triển khai xây dựng tại Sóc Sơn gồm trường đua ngựa, khu vui chơi giải trí đèn Sóc, mở rộng sân bay Nội Bài, khu du lịch thung lũng xanh, sân golf quốc tế Legend Hill,... góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển thương mại du lịch của huyện.
Sóc Sơn đã và đang cải tạo, xây dựng mới nhiều công trình phúc lợi xã hội, trụ sở làm việc của các cơ quan, hệ thống chiếu sáng, cấp thoát nước, thông tin liên lạc,... tạo diện mạo mới hiện đại, văn minh cho đô thị Sóc Sơn.
Theo các chuyên gia, huyện Sóc Sơn trong tương lai sẽ là điểm đến hấp dẫn giới đầu tư bất động sản bởi vị trí đắc địa, hạ tầng bứt phá mạnh mẽ và quỹ đất dồi dào, giá mềm hơn so với các khu vực khác của TP. Hà Nội.
TP. Hà Nội hiện đang đẩy mạnh triển khai các dự án và đề xuất nhiều quy hoạch mới nhằm khai thác tiềm năng về đất đai, con người, lợi thế địa hình, giao thông... sớm hoàn thành mục tiêu đưa Sóc Sơn trở thành đô thị vệ tinh hiện đại, phát triển về du lịch, thương mại, logistics. Nhà đất Sóc Sơn vì thế luôn nhận được sự quan tâm của giới đầu tư lẫn người mua ở thực.
Nhiều dự án quy mô lớn đã được phê duyệt và triển khai trên địa bàn huyện Sóc Sơn như Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn (hơn 3.200 tỷ đồng), Trường đua ngựa Sóc Sơn (khoảng 10.000 tỷ đồng), dự án cải tạo đê Cà Lồ... khiến giá đất nơi đây tăng gấp 2 - 3 lần thời điểm cuối năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, trước thông tin quy hoạch đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô, thông tin đưa 3 huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh lên thành phố trực thuộc thành phố, nhà đất Sóc Sơn tăng giá chóng mặt, thậm chí có nơi tăng giá gấp 3 - 4 lần trong năm.
Khảo sát thực tế cho thấy, thời điểm cuối năm ngoái, giá đất tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn được rao bán với giá từ 4,5 - 6,5 triệu đồng/m2, trước đó chỉ ở mức 4 - 4,5 triệu đồng/m2. Giá đất nhỉnh hơn các khu vực khác vì nơi đây thuận lợi để phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, homestay... Đặc biệt, sau mỗi đợt dịch covid-19 bùng phát, nhu cầu tìm mua đất làm nơi nghỉ dưỡng lại tăng lên, thu hút các nhà đầu tư. Giá đất Sóc Sơn vì thế lại nhỉnh lên đôi phần.
Dự án đường Vành đai 4 đoạn đi qua TP. Hà Nội dài khoảng 56,5km, bắt đầu từ km3+695 cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn đến khu đô thị Mê Linh, vượt qua sông Hồng bằng cầu Hồng Hà, kéo dài đến xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, từ Hồng Hà - Đan Phượng cắt ngang Quốc lộ 32 đến xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức. Trước thông tin này, nhà đầu tư ồ ạt đổ về xã Thanh Xuân gom mua đất đợi lên giá bán kiếm lời.
Đất đai dọc theo tuyến đường 35, cắt ngang qua trường Tiểu học Tân Dân B tăng giá từng ngày. Đất làng, xã khu vực Hiền Ninh, Thanh Xuân, Minh Trí trước chỉ dao động từ 3 - 4 triệu đồng/m2 nay đẩy giá lên cao gấp 3 - 4 lần. Bám theo cơn sốt, người dân đua nhau phân lô bán nền đất thổ cư, đất ruộng. Trung tâm đo đạc, đại lý mua bán bất động sản mọc lên như nấm trên tuyến đường xã Thanh Xuân.
Trước thực trạng trên, chính quyền TP. Hà Nội đã có quyết định siết phân lô bán nền, tạm dừng tách thửa đất nông nghiệp. Thị trường mua bán đất Sóc Sơn vì thế cũng dần hạ nhiệt. Tuy nhu cầu về đất nhiều nhưng giao dịch mua bán nhà đất Sóc Sơn trên thực tế thì ngược lại.
Trước làn sóng đầu tư bất động sản tại các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, giới chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo, khảo sát kỹ lưỡng về hạ tầng, kiểm tra thông tin quy hoạch, dự án, tránh "đưa chân, nhắm mắt làm liều". Nếu không nắm rõ quy hoạch, định hướng phát triển tại khu vực muốn đầu tư, nhà đầu tư dễ bị chôn vốn lâu dài.
Xem thêm: